Blockchain là một trong những xu hướng công nghệ mới với tiềm năng phát triển trong nhiều lĩnh vực, trong đó có quản lý dự án xây dựng. Bởi khi các nhà thầu ứng dụng blockchain thì việc quản lý chuỗi cung ứng, kiểm soát giao dịch hợp đồng và trao đổi thông tin trở nên dễ dàng & hiệu quả hơn, ngay cả với những dự án xây dựng phức tạp.
Để hiểu chi tiết về lợi ích, chiến lược và công cụ giúp doanh nghiệp xây dựng triển khai blockchain thành công, mời các CEO, nhà quản lý tham khảo ngay bài viết dưới đây.
1. Blockchain là gì?
Blockchain là một chuỗi các “khối” dữ liệu được liên kết tạo thành sổ cái kỹ thuật số phân tán (Distributed ledger technology). Mỗi khối (block) đều chứa thông tin về thời gian khởi tạo, dữ liệu giao dịch và được liên kết với các khối trước đó bằng hàm băm (hash) mã hóa.
Dữ liệu trên blockchain được phân tán trên mạng lưới gồm nhiều nút (nodes) độc lập, không phụ thuộc vào một tổ chức hay máy chủ duy nhất. Điều này làm tăng tính minh bạch và bảo mật thông tin dữ liệu trong doanh nghiệp.
3 đặc tính nổi bật của công nghệ chuỗi khối bao gồm: bảo mật dữ liệu, phi tập trung và mở rộng không giới hạn.
- Bảo mật dữ liệu: Công nghệ blockchain mã hóa dữ liệu đa lớp thông qua các hàm toán học ẩn dữ liệu. Do vậy, chỉ có những người được phân quyền mới có thể “mở khóa” để khai thác thông tin & truy xuất dữ liệu.
- Phi tập trung: Không có một tổ chức, cá nhân duy nhất nào được kiểm soát toàn bộ hệ thống dữ liệu trong blockchain. Thay vào đó, quyền kiểm soát được phân tán trên nhiều thực thể. Điều này tăng sự minh bạch, công bằng và tránh rủi ro lạm dụng hay xóa dữ liệu.
- Có thể mở rộng: Do không bị phụ thuộc vào một máy chủ trung tâm để lưu trữ dữ liệu, vì thế các chuỗi khối thông tin có thể mở rộng linh hoạt, đáp ứng nhu cầu quản lý các dự án xây dựng phức tạp.
Blockchain là một trong 9 xu hướng công nghệ ngành xây dựng toàn cầu năm 2023, và dự báo sẽ còn phát triển mạnh mẽ trong năm 2024. Tại Việt Nam, blockchain được Chính phủ ưu tiên nghiên cứu, phát triển và khuyến khích doanh nghiệp ứng dụng để nâng cao năng lực cạnh tranh trong thời đại 4.0.
Bất kỳ ngành nào cũng có thể hưởng lợi khi triển khai blockchain. Với ngành xây dựng, công nghệ chuỗi khối cũng được áp dụng nhằm tối ưu hiệu quả quản lý dự án để tăng năng suất và lợi nhuận. Cụ thể cách ứng dụng blockchain & các phương pháp để triển khai hiệu quả công nghệ này trong doanh nghiệp xây dựng sẽ được làm rõ ngay dưới đây.
2. Ứng dụng Blockchain trong ngành xây dựng
Quy trình quản lý dự án thi công xây dựng vốn rất phức tạp, luôn đòi hỏi sự chính xác, tính tổ chức cao và cần phối hợp chặt chẽ giữa nhiều bộ phận từ quản lý, kỹ sư, kiến trúc sư, nhà cung cấp,… Nếu không có công cụ để quản lý, nhà thầu xây dựng phải đối mặt với nhiều rủi ro như chậm tiến độ, đội chi phí, thi công lại. Ảnh hưởng đến chất lượng công trình và uy tín doanh nghiệp.
Do vậy, việc ứng dụng blockchain trong các hoạt động như quản lý chuỗi cung ứng, thanh toán hợp đồng, quản lý vật tư, số hóa hồ sơ xây dựng,… sẽ giúp nhà thầu hạn chế các rủi ro đó.
2.1. Quản lý chuỗi cung ứng
Trong ngành xây dựng, blockchain có thể được dùng để ghi lại mọi giao dịch và vòng đời lưu chuyển hàng hóa, vật tư. Điều này giúp nhà thầu, nhà cung cấp theo dõi chính xác nguồn gốc, lượng tồn kho, trạng thái giao hàng & tiến độ thanh toán của vật tư & thiết bị thi công trong thời gian thực. Nhờ đó đảm bảo nguồn cung liên tục, giảm nguy cơ thi công chậm tiến độ do thiếu vật liệu hoặc giao hàng chậm trễ.
Ví dụ: Khi một nhà thầu xây dựng mua thép từ một nhà cung cấp, họ sẽ tạo một giao dịch trên blockchain. Giao dịch này sẽ bao gồm các thông tin như: số lượng thép, loại thép, xuất xứ, ngày mua, giá cả, v.v.
Đây là căn cứ để nhà thầu lựa chọn được vật liệu phù hợp với từng công trình, kiểm soát tốt tiến độ cung ứng vật tư & đánh giá được năng lực của bên cung cấp. Blockchain cũng giúp tự động hóa quy trình thanh toán với nhà cung cấp, đảm bảo các giao dịch diễn ra an toàn và kịp thời.
Đọc thêm về Hướng dẫn quản lý chuỗi cung ứng hiệu quả trong ngành xây dựng
2.2. Tạo lập hợp đồng thông minh (Smart Contracts)
Hợp đồng thông minh được lưu trữ trên blockchain là dạng hợp đồng được lập trình sẵn để tự động thực thi các điều khoản theo đúng thỏa thuận giữa các bên. Trong ngành xây dựng, các hoạt động như ký kết hợp đồng giao – nhận thầu, thanh toán công nợ, xác nhận lịch giao hàng,… đều có thể tự động hóa bằng hợp đồng thông minh.
Ví dụ: Khi chủ đầu tư và nhà cung cấp tham gia giao kết một bản hợp đồng thông minh. Chủ đầu tư thiết lập các mã lệnh chứa thông tin về số tiền và điều kiện thanh toán. Lệnh thanh toán này sẽ được mã hóa và chỉ được thực hiện khi bên cung cấp giao vật tư thành công. Tại thời điểm vật tư nhập kho, hệ thống sẽ tự động chuyển tiền từ tài khoản của chủ đầu tư vào tài khoản của nhà cung cấp.
Có thể thấy, blockchain giúp cải thiện tốc độ và hiệu quả của hoạt động thanh toán bằng cách loại bỏ chủ thể trung gian & cắt giảm các chi phí giao dịch phát sinh. Đồng thời tăng tính minh bạch, chống gian lận & giảm rủi ro pháp lý cho doanh nghiệp.
2.3. Quản lý tài liệu dự án
Blockchain tạo ra không gian trực tuyến cho phép bạn sắp xếp, lưu trữ và quản lý toàn bộ tài liệu xây dựng dạng số như bản vẽ thiết kế, dự toán chi phí, hợp đồng, hồ sơ đấu thầu,… Nhờ đó giúp doanh nghiệp xây dựng giảm không gian lưu trữ và hạn chế rủi ro mất tài liệu.
Ứng dụng blockchain, nhà quản lý & nhân viên có thể nhanh chóng tra cứu, tìm kiếm và khai thác thông tin các tài liệu dự án ở bất kỳ đâu. Ngoài ra, việc ký số tài liệu cũng được thực hiện dễ dàng & đảm bảo tính bảo mật trên nền tảng công nghệ này.
Tham khảo thêm: 10 Phần mềm quản lý tài liệu, hồ sơ xây dựng tốt nhất
2.4. Tăng cường cộng tác & quản lý dự án hiệu quả
Nhờ cung cấp một nền tảng trực tuyến phi tập trung để chia sẻ thông tin, theo dõi tiến độ và điều phối công việc, blockchain giúp nhà thầu tối ưu hiệu quả quản lý dự án xây dựng. Đồng thời hỗ trợ các CEO ra quyết định quản trị chính xác hơn qua hệ thống dữ liệu được cập nhật liên tục theo thời gian thực
Nhiều công cụ cộng tác trên blockchain còn cho phép các kỹ sư, kiến trúc sư, chỉ huy công trình,… chia sẻ thông tin, thảo luận và giải quyết các vấn đề trong quá trình thiết kế – thi công được nhanh chóng & dễ dàng. Từ đó cải thiện sự hợp tác, giảm xung đột giữa các phòng ban & tăng năng suất làm việc.
Tóm lại, ngành xây dựng có thể vượt qua các trở ngại để cải thiện tốc độ thi công & tăng hiệu quả quản lý dự án trong kỷ nguyên kỹ thuật số khi áp dụng blockchain.
3. Thách thức khi doanh nghiệp xây dựng triển khai Blockchain
Lợi ích blockchain mang lại cho ngành xây dựng là không thể phủ nhận, tuy nhiên để ứng dụng thành công công nghệ này là cả một chặng đường dài. Dưới đây là 5 thách thức điển hình khi doanh nghiệp xây dựng triển khai blockchain.
1. Vấn đề kỹ thuật: Blockchain là một công nghệ phức tạp, đòi hỏi doanh nghiệp phải có đội ngũ IT am hiểu công nghệ này để xây dựng & duy trì vận hành hệ thống. Khó khăn trong việc thu hút nhân tài trong lĩnh vực này cũng làm tăng mối lo ngại cho các nhà thầu khi ứng dụng blockchain và tích hợp nó với các hệ thống quản trị sẵn có của doanh nghiệp.
2. Chi phí: Chi phí triển khai blockchain khá cao, bao gồm chi phí cho phần cứng, phần mềm, đào tạo nhân sự, chi phí bảo trì & nâng cấp mạng blockchain,… Đây là thách thức lớn khiến ngành xây dựng còn dè dặt trong việc ứng dụng công nghệ này, nhất là với các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
3. Bảo mật: Mặc dù việc lưu trữ dữ liệu & giao dịch trên blockchain được coi là an toàn nhưng bất kỳ nền tảng công nghệ số nào cũng có thể bị tấn công. Do đó, các doanh nghiệp cần đảm bảo cơ sở hạ tầng blockchain phải được bảo vệ trước các mối đe dọa tiềm ẩn. Bởi một khi dữ liệu rò rỉ hoặc sử dụng trái phép sẽ khiến doanh nghiệp thiệt hại tài chính, mất uy tín và đối mặt với rủi ro pháp lý.
4. Thiếu tin tưởng: Xây dựng là một ngành phức tạp với sự tham gia của nhiều bên, từ nhà thầu chính, thầu phụ, nhà cung cấp, kiến trúc sư, kỹ sư,… Khi sử dụng công nghệ chuỗi khối cần có thống nhất giữa các bên liên quan để xác định mục tiêu, xây dựng các tiêu chuẩn, giao thức thanh toán, và tạo ra cấu trúc quản trị chung trên hệ thống blockchain. Do vậy việc thuyết phục các bên tin tưởng để cộng tác làm việc trên blockchain cũng là vấn đề doanh nghiệp xây dựng cần lưu tâm.
5. Chính sách pháp lý: Hiện nay các quy định pháp lý về blockchain ở trong và ngoài nước vẫn chưa hoàn thiện, điều này có thể gây khó khăn cho doanh nghiệp xây dựng khi triển khai công nghệ chuỗi khối.
Dù việc ứng dụng blockchain còn gặp nhiều rào cản nhưng tiềm năng phát triển của công nghệ này trong ngành xây dựng là rất lớn. Chìa khóa để tích hợp thành công blockchain là xây dựng kế hoạch cụ thể, đầu tư hạ tầng, phát triển nguồn lực và tuân thủ các quy định pháp luật.
4. Giải pháp giúp doanh nghiệp xây dựng ứng dụng Blockchain hiệu quả
Bất kỳ công việc, dự án nào nếu không có phương pháp & lộ trình cụ thể cũng dễ dẫn đến nguy cơ thất bại, đặc biệt là vấn đề chuyển đổi số & ứng dụng công nghệ trong dài hạn. Nhiều tổ chức thậm chí còn xây dựng các chiến lược kéo dài 3 đến 5 năm, từ giai đoạn thí điểm đến lúc áp dụng blockchain trên toàn doanh nghiệp.
Một bản lộ trình chuyển đổi & ứng dụng blockchain sẽ cần xác định những phương pháp, sáng kiến blockchain mà doanh nghiệp xây dựng dự định áp dụng & chuẩn bị kỹ nguồn lực để đảm bảo quá trình triển khai công nghệ thành công. Việc xây dựng kế hoạch còn giúp doanh nghiệp hiểu rõ về khả năng chuyển đổi, khoảng cách giữa thực tế & đích hướng tới cũng như các vấn đề cần được ưu tiên giải quyết.
Dưới đây là gợi ý một số giải pháp giúp doanh nghiệp xây dựng triển khai blockchain hiệu quả:
Xác định rõ mục tiêu:
- Đặt ra mục tiêu cụ thể và rõ ràng cho dự án blockchain
- Xác định các vấn đề cần blockchain giải quyết cho doanh nghiệp
Nghiên cứu kỹ thuật Blockchain: Blockchain là một công nghệ phức tạp với nhiều thuật toán & khái niệm chuyên ngành. Doanh nghiệp cần nghiên cứu kỹ thuật Blockchain để hiểu rõ về cách thức hoạt động của công nghệ này, từ đó đưa ra những quyết định đúng đắn trong quá trình phát triển ứng dụng.
Lựa chọn nền tảng phù hợp:
- Doanh nghiệp nên chọn nền tảng blockchain phù hợp với nhu cầu & khả năng để tiết kiệm chi phí đầu tư. Ví dụ như Ethereum, Hyperledger, hay Binance Smart Chain,v.v
- Đánh giá tính mở rộng, dịch vụ hỗ trợ, và cơ hội tích hợp với hệ thống quản trị sẵn có của doanh nghiệp để đảm bảo luồng thông tin xuyên suốt & tránh phân mảnh công việc làm chậm tiến độ các dự án xây dựng đang thi công
Hệ thống bảo mật:
- Tăng cường bảo mật thông qua cơ chế xác minh và mã hóa
- Lựa chọn cơ chế bảo mật phù hợp với loại dữ liệu của doanh nghiệp
- Xây dựng cơ sở dữ liệu phân tán và đảm bảo tính nhất quán.
Smart Contracts:
- Phát triển hệ thống smart contracts chặt chẽ, logic
- Kiểm thử và xác minh smart contracts trước khi triển khai trên toàn doanh nghiệp.
Kiểm soát chặt quá trình giao dịch:
- Đảm bảo quá trình giao dịch được thực hiện một cách minh bạch và hiệu quả
- Tích hợp các giải pháp quản lý rủi ro và tuân thủ pháp luật vào hệ thống.
Chọn đối tác tin cậy:
Để ứng dụng blockchain hiệu quả, doanh nghiệp xây dựng cần có sự hỗ trợ của các đối tác có kinh nghiệm trong việc triển khai blockchain. Họ có thể cung cấp cho bạn những kiến thức, kinh nghiệm và nguồn lực cần thiết để triển khai thành công công nghệ này.
Dùng phương pháp quản lý dự án:
Các CEO có thể sử dụng các phương pháp quản lý dự án trong giai đoạn thử nghiệm & phát triển blockchain như Scrum hoặc Agile. Để theo dõi tiến độ, đánh giá hiệu quả công nghệ và điều chỉnh chiến lược khi cần thiết.
Tạo văn hóa sẵn sàng chuyển đổi:
Đào tạo nhân sự & xây dựng văn hóa doanh nghiệp đóng vai trò rất lớn trong lộ trình triển khai blockchain. Tầm quan trọng của việc thu hút tất cả nhân viên tham gia và ủng hộ trước khi có bất kỳ thay đổi nào diễn ra là rất quan trọng để đạt được kết quả tốt. Bởi nếu đội ngũ nhân sự của bạn không nhìn thấy giá trị trong các quy trình & công nghệ blockchain, họ sẽ không có động lực để sử dụng hay đề xuất các ý tưởng cải tiến.
5. Kết luận
Blockchain được các chuyên gia khẳng định là xu hướng công nghệ tiềm năng giúp các công ty xây dựng nâng cao năng lực cạnh tranh, thích ứng tốt trong bối cảnh kinh tế nhiều biến động. Song khó khăn và thách thức trên chặng đường chuyển đổi số là điều không thể tránh khỏi. Vì thế, các CEO, nhà quản lý cũng cần có sự nghiên cứu kỹ lưỡng, thận trọng với bước đi phù hợp để hạn chế rủi ro và tận dụng tốt những giá trị mà công nghệ này mang lại.
Còn nếu các nhà thầu đang tìm kiếm một phần mềm chuyên biệt cho ngành xây dựng, cho phép khai thác dữ liệu nhanh chóng & realtime và tích hợp hệ thống liền mạch thì có thể tham khảo giải pháp FastCons.
Nhờ bộ tính năng chuyên sâu được thiết kế 100% theo chuẩn nghiệp vụ thi công xây dựng như: quản lý hạng mục công trình, quản lý tiến độ thi công, quản lý vật tư, phê duyệt xuất/nhập vật tư dưới công trường, quản lý nghiệm thu/thanh toán, và số hóa chấm công công trình,… FastCons đã được nhiều nhà thầu trên khắp cả nước tin tưởng áp dụng thành công, tiêu biểu như: Handico30, CONSTREXIM, ARDOR, VNC, Thịnh Vượng TVT, Hợp Nghĩa,…
Để nhận tư vấn Miễn phí & Demo 1-1 về phần mềm quản lý dự án xây dựng FastCons, quý doanh nghiệp vui lòng liên hệ Hotline 0983-089-715 hoặc điền thông tin đăng ký vào Form bên dưới!